Tin-bài mới


  • Huấn thị "De Musica in Sacra Liturgia" (Âm nhạc trong phụng vụ)

     

    DE MUSICA IN SACRA LITURGIA

     Ngày 5.3.1967

     HUẤN THỊ

    “VỀ ÂM NHẠC TRONG PHỤNG VỤ”

     

    LỜI NÓI ĐẦU

    1. Trong lĩnh vực phụng vụ, thánh nhạc đã được Công đồng Va-ti-ca-nô II nghiên cứu cẩn thận. Công đồng đã làm nổi bật vai trò của thánh nhạc trong các lễ nghi phụng vụ, công bố một số nguyên tắc và luật lệ trong Hiến chế phụng vụ và dành trọn một chương trình để nói về vấn đề này.

    2. Những quyết định của Công đồng đã bắt đầu được áp dụng cách thiết thực cùng với công cuộc cải tổ phụng vụ vừa khai diễn. Những các quy tắc mới liên quan đến việc tổ chức các nghi lễ và sự tham gia tích cực của tín hữu, đã làm nẩy sinh nhều vấn đề liên quan đến thánh nhạc và vai trò thừa tác của nó. Những vấn đề này có thể giải quyết được, nếu một vài nguyên tắc trong Hiến chế phụng vụ liên quan tới đó, được làm sáng tỏ hơn.

    3. Vì thế Hội Đồng thực thi Hiến chế phụng vụ, thành lập theo lệnh Đức Thánh Cha, để nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề ấy, và đã soạn ra Huấn thị này. Đây không phải là toàn bộ luật pháp về thánh nhạc, mà chỉ là bản ấn định các quy tắc chính xem ra cần thiết hơn cho thời đại chúng ta. Huấn thị này được coi như tiếp nối và bổ túc Huấn thị trước của Thánh Bộ, cũng do chính Hội Đồng này soạn thảo và công bố ngày 26.9.1964, để điều chỉnh cho đúng việc thực thi Hiến chế phụng vụ.

    4. Mong rằng các vị chủ chăn, các nhạc sĩ và các tín hữu sẽ vui lòng đón nhận các quy tắc đó và đem ra thực hành. Như vậy ai nấy sẽ kết hợp mọi nỗ lực của mình để đạt tới mục đích thật của thánh nhạc là  “Tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tín hữu”(1).

    a/ Thánh nhạc là loại âm nhạc được sáng tác để thờ phượng Thiên Chúa, nên phải biểu lộ sự thánh thiện và diễn tả được hình thức nghệ thuật cao (2).

    b/ Khi nói đến thánh nhạc thì phải kể nhạc Ghê-go-ri-ô, nhạc đa âm cổ điển và hiện đại dưới các hình thể khác nhau, nhạc soạn cho đại quản cầm và các nhạc khí được công nhận, các ca khúc bình dân, phụng vụ và tôn giáo (3).

    I. MỘT VÀI QUI TẮC TỔNG QUÁT.

    5. Lễ nghi phụng vụ sẽ mang hình thức cao quí hơn, khi được cử hành kèm theo ca hát, khi mỗi thừa tác viên chu toàn đúng nhiệm vụ của mình, và khi có dân chúng tham dự (4).

    Thật vậy, dưới hình thức đó, lời cầu nguyện được diễn tả thâm thúy hơn; mầu nhiệm phụng vụ với những đặc điểm có tính cấp bậc và cộng đồng được biểu lộ rõ ràng hơn; lòng người hợp nhất với nhau hơn nhờ cùng hát chung một giọng ca, và tinh thần của con người cũng dễ dàng được nâng cao hơn, nhờ được nhìn ngắm vẻ đẹp của sự vật thánh mà vươn tới những thực tại vô hình. Cuối cùng, toàn bộ việc cử hành biểu thị trước nền phụng vụ thiên quốc đang  được hoàn tất trong thành Giê-ru-sa-lem mới, một cách rõ ràng hơn.

    Vì  thế, các vị chủ chăn phải làm hết sức mình để đạt tới hình thức cử hành đó. Ngay cả trong những buổi cử hành không kèm theo ca hát, nhưng có giáo dân tham dự, vẫn phải phân chia các chức vụ và vai trò, như khi cử hành có kèm theo ca hát, nhất là phải liệu cho các thừa tác viên cần thiết và có khả năng, cũng như lo cho giáo dân tham dự tích cực hơn.

    Phải chuẩn bị thiết thực cho mội buổi cử hành trong tinh thần hợp tác giữa mọi người liên hệ, dưới quyền chỉ huy của vị quản nhiệm thánh đường, về mặt nghi thức cũng như mục vụ âm nhạc.

    6. Muốn tổ chức một buổi cử hành phục vụ cho đích đáng thì trước hết phải phân chia và thi hành các chức vụ cho đúng, khiến mỗi thừa tác viên hay mỗi tín hữu, khi thi hành các chức vụ, sẽ chỉ làm và làm hết những gì thuộc phận sự của mình thôi, chiếu theo bản tính của sự vật và những qui tắc phụng vụ (5). Những công việc tổ chức cũng đòi ta phải giữ đúng ý nghĩa và bản chất của mỗi phần và mỗi bài hát. Muốn đạt mục đích ấy thì phải hát thật sự, đặc biệt những bản văn nào đương nhiên cần hát, và phải tôn trọng thể loại cũng như hình thức của những văn bản đó, do bản tính chúng đòi hỏi.

    7. Giữa những hình thức cử hành hoàn toàn long trọng mà trong đó, tất cả những gì phải hát đều được hát, và hình thức đơn giản nhất không có ca hát, có thể nhiều bậc khác nhau, tùy như muốn dành cho ca hát một vị trí lớn hay nhỏ. Tuy nhiên, khi chọn những bài hát để hát, phải dành ưu vị cho những bài do bản tính có tầm quan trọng hơn: trước hết những phần linh mục chủ sự hay thừa tác viên hát và giáo dân thưa đáp, thứ đến những bài chỉ dành riêng cho giáo dân, hoặc dành riêng cho ca đoàn.

    8. Mỗi khi cử hành phụng vụ mà cần hát thì có thể chọn người hát, ưu tiên dành cho những người có khả năng hơn về mặt ca hát, đặc biệt trong những buổi cử hành khá long trọng và có những bài hát khó hơn hay khi phải truyền thanh, truyền hình (6).

    Nếu không chọn được người hát hay, và nếu linh mục hay thừa tác viên không thể hát đúng, thì vị đó có thể đọc mà không hát những bài hát phải hát, nếu bài ấy quá khó, nhưng phải đọc lớn tiếng và rõ ràng. Nhưng linh mục hay thừa tác viên không được làm như thế, chỉ vì muốn tiện cho mình.

    9. Khi chọn bài hát cho ca đoàn hay giáo dân, nên lưu ý đến khả năng ca hát của những người đó. Trong các lễ nghi phụng vụ, Hội Thánh không loại bỏ một loại ca nhạc nào, miễn là loại đó hợp với tinh thần lễ nghi phụng vụ và bản chất của mỗi phần (7), và không ngăn trở giáo dân tham dự đúng mức và tích cực (8).

    10. Để giúp tín hữu dễ tích cực tham gia phụng vụ và có hiệu quả hơn thì trong mức độ có thể, nên thay đổi cách thích hợp những hình thức cử hành và mức độ tham dự, cùng lưu ý đến bậc lễ của ngày ấy, và tầm quan trọng của cộng đoàn.

    11. Nên nhớ rằng tính cách long trọng đích thực của một buổi cử hành phụng vụ ít tùy thuộc vào hình thức ca hát cầu kỳ hoặc phô diễn các lễ nghi cho đẹp mắt, hơn là dựa vào phong cách cử hành sao cho xứng đáng, trang nghiêm và đạo đức. Phong cách này nhằm toàn bộ chính việc cử hành phụng vụ, nghĩa là thi hành mọi phần lễ nghi theo bản tính riêng của phần ấy. Nơi nào có thể làm hay được, thì rất ước mong các nơi ấy trình bày một hình thức phong phú hơn về ca hát và đẹp mắt hơn về nghi lễ, nhưng nếu bỏ qua, hoặc thay đổi hay cử hành không đúng cách một trong những yếu tố của nghi lễ phụng vụ thì chẳng phải là long trọng đích thực nữa.

    12. Chỉ Tòa Thánh mới có quyền thiết lập những nguyên tắc trọng yếu và tổng quát được xem nhu nền tảng của thánh nhạc, hợp với những quy tắc đã ban hành và đặc biệt hợp với Hiến Chế phụng vụ. Các Hội Đồng Giám Mục Địa phương có thẩm quyền và được thành lập hợp pháp, cũng như Giám mục được quyền ra luật lệ cho thánh nhạc theo các giới hạn đã ấn định.

    II. CÁC NGƯỜI CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

    13. Các lễ nghi phụng vụ là những việc cử hành của Giáo Hội, nghĩa là của dân thánh, được quy tụ và tổ chức dưới quyền chủ tọa của giám mục hay linh mục. Trong các lễ nghi phục vụ, các người sau đây chiếm một vị trí đặc biệt: linh mục và các thừa tác viên.

    14. Linh mục chủ tế chủ tọa cộng đoàn như người đại diện Đức Kitô. Những lời linh mục hát hay đọc cao giọng, mọi ngừoi phải kính cẩn, chăm chú lắng nghe, vì những lời đó được đọc lên nhân danh toàn thể dân thánh và mọi người tham dự. (10)

    15. Các tín hữu chu toàn nhiệm vụ của mình, nhờ tham gia trọn vẹn, ý thức và tích cực, như bản chất của chính phụng vụ đòi hỏi. Đó cũng là một quyền lợi và một bổn phận của dân Kitô giáo, do phép thánh tẩy đã lãnh nhận.

    a/ Sự tham gia này trước hết phải nội tại nghĩa là các tín hữu phải kết hợp lòng trí mình với điều họ đọc hay nghe, và cộng tác với ơn trên ban xuống. (11)

    b/ Nhưng sự tham gia này cũng cần phải ngoại tại nữa, nghĩa là được biểu lộ ra bằng những câu tung hô, những lời đối đáp và những bài ca (12). Cũng phải giáo dục cho tín hữu biết kết hợp lòng trí họ với những gì thừa tác viên hay ca đoàn hát để khi nghe thì họ nâng tâm hồn lên cùng Chúa.

    16. Thật không có gì tưng bừng và vui vẻ hơn trong một buổi cử hành phụng vụ mà toàn thể cộng đoàn biểu lộ đức tin và lòng đạo đức của mình ra bằng lời ca tiếng hát. Bởi vậy, sự tham gia linh động của toàn thể giáo dân bằng lời ca tiếng hát phải được triển khai kỹ lưỡng theo thứ tự sau đây:

    a/ Việc tham gia này trước hết gồm có những lời tung hô, những câu đáp lại lời chào của linh mục hay thừa tác viên hoặc đáp lại lời kinh dưới hình thức đối đáp, ngoài ra lại có những câu đối ca và những thánh vịnh cũng như những câu xướng xen kẽ, hoặc những điệp ca, những thánh thi và thánh ca. (13)

    b/ Nhờ một nền huấn giáo thich hợp và những buổi thực tập dần dần sẽ đưa giáo dân tới chỗ hát những bài dành cho họ, cho đến khi họ tham dự hoàn toàn.

    c/ Tuy nhiên, nếu giáo dân chưa được tập luyện đủ, và nếu dùng những bài hát nhiều bè, thì có thể giao một số bài hát của cộng đoàn cho nguyên ca đoàn thôi, miễn là không loại họ ra, không cho hát những phần dành cho họ. Nhưng không được chấp nhận thói quen giao hết cho một mình ca đoàn hát Phần riêng và Phần thường lễ, mà loại hẳn không cho cộng đoàn hát.     

    17. Cũng phải giữ nghiêm trang thinh lặng (15) vào đúng lúc. Quả thật, nhờ sự thinh lặng đó, người tín hữu không chỉ tham dự, các lễ nghi phụng vụ như khán giả câm nín và xa lạ, nhưng kết hợp mật thiết hơn với mầu nhiệm đang cử hành, nhờ tình trạng nội tâm phát sinh khi nghe Lời Chúa, nghe hát và nghe đọc lời nguyện, và nhờ sự kết hợp thiêng liêng với vị chủ sự, khi vị này đọc những phần dành riêng cho mình.

    18. Trong số tín hữu, các hội viên của các tu hội đời, phải được huấn luyện đặc biệt kỹ càng về ca hát, để họ có thể giữ một vai trò tích cực, nâng đỡ và giúp giáo dân tham dự nhiều hơn nữa.(16)

    Phải nghiêm túc và kiên trì huấn luyện ca hát cho đoàn thể giáo dân cùng một lúc với việc huấn luyện phụng vụ, tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh, nếp sống, và trình độ kiến thức tôn giáo của họ. Những năm huấn luuyện đầu tiên nên khởi sự ở cấp sơ đẳng. (17)

    19. Vì vai trò phụng vụ phải chu toàn, nên ca đoàn hoặc “Ban hát nhà nguyện”, hoặc “Nhóm ca viên” cần được lưu tâm đặc biệt. Nhiệm vụ của ca đoàn càng thêm quan trọng và giá trị, sau những quyết định của Công Đồng về việc cải tổ phụng vụ. Quả thế, ca đoàn có bổn phận phải hát đúng những phần dành riêng cho mình tùy theo các loại bài hát, và giúp tín hữu tham gia tích cực vào  việc ca hát. Do đó:

    a/ Phải có một “Ca đoàn”, hoặc “Những ban hát nhà nguyện”, hoặc “các nhóm ca viên” và phải nghiêm túc phát triển những ban đó, nhất là ở các nhà thờ chính tòa và các đại thánh đường khác cũng như trong các chủng viện  và học viện.

    b/ Trong các thánh đường nhỏ cũng nên thành lập những ca đoàn như vậy, dù dưới hình thức khiêm tốn.

    20. Những “Ban hát nhà nguyện” vốn có sẵn ở những vương cung thánh đường, các nhà thờ chánh tòa, các đan viện và các đại giáo đường khác, đã tạo được tiếng tăm lừng lẫy qua bao thế kỷ, vì đã gìn giữ và vun trồng một kho tàng âm nhạc giá trị vô song. Phải duy trì những ban đó theo các quy tắc riêng và cổ truyền của chúng, và các đấng bản quyền địa phương nên thừa nhận, để làm cho việc cử hành các nghi lễ phụng vụ thêm tốt đẹp. Các vụ quản nhiệm nhà thờ và trưởng sự các thánh đường nên liệu cho giáo dân luôn luôn tham gia ca hát, ít là những bài hát dễ hát dành riêng cho họ.

    21. Nơi nào thiếu phương tiện để thành lập một ca đoàn khiêm tốn, thì phải liệu cho ít nhất một hoặc hai ca viên được huấn lưyên vừa đủ. Ca viên đó phải có thể xướng lên một vài bài đơn giản cho các tín hữu tham gia, đồng thời cũng phải biết điều khiển và yểm trợ cho các tín hữu đó nữa.

    Trong những nhà thờ đã có sẵn một ca đoàn cũng nên có một ca viên như thế, nhằm khi cử hành phụng vụ, mà ca đoàn không giúp được, thì cũng có thể cử hành cách long trọng nào đó, khi có bài hát xen vào.

    22. Tùy theo tập quán cùa mỗi quốc gia, và tùy theo những trường hợp khác nữa, nhóm ca viên có thể gồm hoặc nam giới và thiếu nhi, hoặc chỉ toàn nam giới, hoặc chỉ toàn thiếu nhi, hoặc nam giới và nữ giới, hoặc nơi nào hoàn cảnh đòi hỏi thực sự, chỉ có nữ giới mà thôi.

    23. Tùy cách xếp đặt mỗi nhà thờ, nhóm ca viên sẽ được xếp chỗ thế  nào:

    a/ Để cho bản tính của ca đoàn được tỏ hiện, nghĩa là ca đoàn là thành phần của cộng đoàn tín hữu, và chu toàn một nhiệm vụ đặc biệt.

    b/ Để ca viên có thể chu toàn cách tốt nhất chức năng phụng vụ của mình. (18)

    c/ Để mỗi người trong nhóm có thể dễ dàng tham dự đầy đủ thánh lễ, nhờ việc rước lễ. Khi ca đoàn gồm phái nữ, thì phải xếp ngoài gian thánh.

    24. Ngoài việc huấn luyện về âm nhạc, cũng phải lo cho các ca viên được huấn luyện tuơng xứng về phụng vụ và đạo đức, ngõ hầu khi chu toàn chức năng phụng vụ của mình, chẳng những họ sẽ làm cho các buổi lễ cử hành nghi lễ thêm đẹp, và đem lại cho tín hữu một tấm gương tốt, mà chính  họ cũng được lợi ích thực sự về đường thiêng liêng nữa.

    25. Để thực hiện dễ dàng hơn việc huấn luyện đó, về mặt kỹ thuật cũng như đạo đức, các hiệp hội thánh nhạc giáo phận, quốc gia hay quốc tế, nhất là những hiệp hội đã được Tòa thánh công nhận và nhiều lần giới thiệu phải góp phần hợp tác.

    26. Linh mục chủ tế, các thừa tác viên có chức thánh và các người hầu lễ, người đọc sách thánh, các người thuộc nhóm ca viên, cũng như người dẫn lễ, phải đọc thật rõ ràng các bản văn đã chỉ định, ngõ hầu dân chúng có thể thưa đáp dễ dàng và tự nhiên khi nghi thức đòi hỏi…

    Linh mục chủ tế và các thừa tác viên thuộc mọi cấp nên hát với giáo dân và toàn thể cộng đồng tín hữu khi họ cùng hát. (19)

    III. HÁT KHI CỬ HÀNH THÁNH LỄ

    27. Khi cử hành thánh lễ có giáo dân tham dự, nhất là những ngày Chúa nhật và ngày lễ, nên hết sức coi trọng hình thức lễ hát hơn, dù cử hành nhiều lần trong cùng một ngày.

    28. Phải phân biệt lễ trọng, lễ hát và lễ đọc, như đã ấn định trong Huấn thị năm 1958 (số 3), chiếu theo các luật phụng vụ hiện hành.Tuy nhiên vì lý do lợi ích mục vụ, có thể đề ra những cấp bậc tham gia lễ hát, ngõ hầu từ nay về sau, mỗi cộng đoàn, tùy phương tiện sẵn có, dễ dàng cử hành thánh lễ trọng thể hơn nhờ ca hát.

    Cách sử dụng các cấp bậc tham gia được qui định như sau: Bậc nhất có thể dùng riêng một mình, bậc hai và ba chỉ được dùng tất cả hay một phần chung với bậc nhất. Như vậy, các tín hữu sẽ luôn luôn được khuyến khích dự phần ca hát một cách đầy đủ.

    29. Bậc nhất gồm có:

    a/ Trong nghi thức nhập lễ:

    -    Lời chào của linh mục và lời đáp của giáo dân.

    -    Lời nguyện.

    b/ Trong phần phụng vụ Lời Chúa:

    -    Các câu tung hô Tin Mừng.

    c/ Trong phần phụng vụ Thánh Thể:

    -  Lời nguyện tiến lễ.

    - Kinh tiền tụng với những câu đối đáp và Kinh ”Thánh, Thánh, Thánh”

    - Lời tụng ca kết thúc Kinh tạ ơn.

    -    Kinh Lạy Cha, với lời nhắn nhủ và lời cầu nghuyện tiếp,

    -    Lời chúc bình an.

    -    Lời nguyện hiệp lễ.

    -    Những công thức kết lễ.

    30. Bậc hai gồm:

    -    Kinh Xin Chúa thương xót, Vinh Danh và Lạy Chiên Thiên Chúa.

    -    Kinh Tin Kính

    -    Lời nguyện giáo dân.

    31.Bậc ba gồm:

    - Những bài hát lúc nhập lễ và rước lễ

    - Bài hát sau bài đọc hoặc thánh thư.

    - Ha-lê-lu-a trước khi đọc Tin Mừng.

    - Bài hát tiến lễ.

    - Các bài đọc sách thánh, trừ khi thấy nên đọc hơn hát.

    32. Tại một vài nơi được đặc quyền, người ta thường dùng những bài hát khác thay thế các bài ca nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ trong sách ”Graduale”. Có thể giữ như thế tùy phán quyết của đấng Bản quyền địa phương, miễn là những bài hát đó hợp với các phần trong thánh lễ, và ngày lễ, cũng như mùa phụng vụ. Thẩm quyền địa phương phải phê chuẩn lời ca những bài hát đó.

    33. Cộng đoàn tín hữu nên tham gia hết phần riêng lễ. Điều ấy có thể thực hiện được, nhất là khi có điệp khúc dễ hát, và những hình thức âm nhạc thích hợp.

    Trong những bài hát phần riêng lễ, thì bài hát sau các bài đọc, dưới hình thức đáp ca (thánh vịnh xướng đáp), có tầm quan trọng đặc biệt. Tự bản chất, bài ca này là thành phần của phụng vụ Lời Chúa, nên phải được hát lên, đang khi mọi người ngồi nghe và nên hết sức cùng hát để tham gia.

    34. Những bài hát gọi là ”phần thường lễ”, nếu là những bài tạ ơn, có thể giao cho ca đoàn hát theo những tiêu chuẩn thông thường, có hay không có nhạc khí phụ họa, miễn là giáo dân không bị hoàn toàn loại ra ngoài, không được ca hát gì.

    Trong các trường hợp khác, những bài trong phần thường lễ có thể chia cho ca đoàn và giáo dân, có thể hát luân phiên từng câu thích hợp, hoặc từng khúc trong toàn thể bản văn đã thành những khúc quan trọng hơn.

    Trong những trường hợp đó, vẫn nên nhớ các điều sau đây:

    - Đức tin: Mọi người nên hát Kinh tin Kính vì đó là công thức tuyên xưng đức tin, hay làm cách nào khác để tham dự cách thích hợp.

    - Kính ”Thánh, Thánh, Thánh”, vì đó là kinh tung hô kết thúc lời tiền tụng. Toàn thể cộng đoàn thường nên hát kinh ”Thánh, Thánh, Thánh” với linh mục.

    - Kinh ”Chiên Thiên Chúa”, có thể hát đi hát lại nhiều lần đang lúc chủ tế bẻ bánh, đặc biệt trong thánh lễ đồng tế; nên để cho giáo dân cùng hát, ít là lời cầu khẩn cuối cùng.

    35. Thường thường giáo dân cùng đọc Kinh Lạy Cha với linh mục (20). Nếu hát bằng La ngữ thì nên dùng những cung điệu chính thức đã có sẵn. Nếu hát bằng tiếng bản xứ, thì cung điệu phải được thẩm quyền địa phương phê chuẩn.

    36. Trong các lễ đọc, có thể hát một vài phần thường lễ hay lễ riêng. Hơn nữa, đôi khi có thể hát một bài khác lúc nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ, cũng như kết lễ;  tuy nhiên, nếu chỉ có tính cách hợp thánh lễ thì chưa đủ, mà còn phải hợp với các phần lễ, ngày lễ hoặc mùa phụng vụ.

    IV. HÁT KINH PHỤNG VỤ

    37. Hát kinh phụng vụ là hình thức thích hợp nhất với bản tính của kinh này. Cách thế đó diễn tả đặc tính long trọng của kinh phụng vụ một cách đầy đủ nhất và biểu lộ sự kết hợp sâu xa giữa các tâm hồn, trong việc ca tụng Chúa. Vì thế, thể theo nguyện ước của hiến Chế Phụng Vụ (21) những ai hát kinh phụng vụ ở ca tòa hay đọc chung với nhau, rất nên sử dụng hình thức hát kinh này.

    Nên hát ít là một phần kinh phụng vụ, bắt đầu từ những giờ chính như Kinh Sáng, Kinh Chiều nhất là vào các ngày Chúa Nhật và các ngày lễ. Nhưng cũng có những giáo sĩ khác, vì sống chung để học hành, hay hội họp nhau vào những dịp tĩnh tâm, hội nghị, nếu nhận thấy rằng hát những phần kinh phụng vụ sẽ làm cho các buổi họp của mình được nhiều lợi ích về đường thiêng liêng thì rất nên hát.

    38. Khi hát kinh phụng vụ, trừ luật còn hiệu lực đối với những ai buộc phải hát kinh ở ca tòa, và những ơn đặc miễn, có thể theo nguyên tắc long trọng hóa tiệm tiến, nghĩa là trước tiên hát những phần tự bản chất đòi phải hát, như Xướng đáp, Thánh thi, Thánh ca, phần còn lại thì đọc.

    39. Nên thúc đẩy các tín hữu đọc chung vào những ngày Chúa Nhật và lễ trọng một vài phần kinh phụng vụ, đặc biệt giờ Kinh Chiều hoặc những giờ kinh khác, tùy theo tập quán của địa phương và cộng đoàn, nhờ các bài giảng dạy và hướng dẫn thích hợp. Cách chung, nên hướng dẫn và huấn luyện các tín hữu, nhất là những người có học hơn, cho họ biết dùng những thánh vịnh theo tinh thần Kitô giáo, khi họ cầu nguyện, như vậy dần dần họ sẽ đi tới chỗ thưởng thức và làm quen hơn với kinh nguyện của Hội Thánh.

    40. Cũng nên để cho các phần tử các Dòng tu giữ ba lời khuyên phúc âm được nhờ hưởng nền huấn luyện này cách đặc biệt, ngõ hầu rút ra được những nguồn phong phú dồi dào, làm phát triển đời sống thiêng liêng của họ.

    Nếu có thể được, nên hát khi cử hành những giờ kinh chính để tham dự đầy đủ kinh ngiệm của Hội Thánh, trong những phần đặc biệt của năm phụng vụ, trong những lúc cử hành Lời Chúa và trong những việc đạo đức, thánh thiện.

    V. ÂM NHẠC TRONG KHI CỬ HÀNH CÁC BÍ TÍCH VÀ Á BÍ TÍCH

    41. Theo đúng hiến chế phụng vụ, và truyền thống nghìn đời của nghi lễ La tinh, các giáo sĩ phải dùng la ngữ để hát hay đọc kinh phụng vụ ở ca tòa (22).

    Nhưng vì Hiến chế có ban đặc ân dùng tiếng bản quốc cho tín hữu đọc kinh phụng vụ, cũng như cho các nữ đan sĩ, và những phần tử khác của tu hội có lời khấn không phải là giáo sĩ, nên phải cố soạn những cung điệu để dùng khi hát kinh phụng vụ bằng tiếng bản quốc.

    42. Như Công Đồng đã tuyên bố, mỗi khi các nghi thức chiếu theo bản chất đặc biệt của mỗi nghi thức – cần được cử hành chung với sự tham gia đông đảo và tích cực của tín hữu, thì nên trọng hình thức cử hành chung hơn là cử hành cá nhân và gần như riêng tư (23). Bởi vậy, theo nguyên tắc này, thì ca hát là hợp lý, vì như thế người ta sẽ thấy rõ được tính cách ”giáo hội” trong buổi cử hành.

    43. Vậy, nên hết sức cử hành kèm theo ca hát các bí tích và á bí tích có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống của cộng đoàn xứ đạo, như các lễ Thêm Sức, Truyền Chức Thánh, Hôn Phối, Cung hiến Thánh đường hay bàn Thờ, lễ An táng v.v… Tính cách lễ lạc của các nghi thức đó sẽ giúp cho việc mục vụ hữu hiệu hơn. Tuy nhiên, phải cẩn thận giữ sao đừng để cho vì vẻ long trọng bên ngoài mà xen vào những chuyện hoàn toàn thế tục hay không thích hợp với sự thờ phượng Thiên Chúa, nhất là khi cử hành các lễ Hôn phối.

    44. Tiếng hát cũng tăng thêm vẻ long trọng cho các nghi lễ được phục vụ ghi dấu đặc biệt trong năm. Cách riêng là các nghi thức Tuần Thánh phải được cử hành với tất cả vẻ long trọng tương xứng. Quả vậy, nhờ việc cử hành màu nhiệm Vuợt Qua, giáo dân sẽ được đưa vào trung tâm năm phụng vụ và chính phụng vụ.

    45. Nên soạn những cung điệu thích hợp để khi cử hành các bí tích và á bí tích cũng như các lễ nghi đặc biệt khác trong năm phụng vụ, hầu việc cử hành được long trọng hơn, dù với ngôn ngữ bản xứ. Về vấn đề này, phải tuân theo các chỉ thị của thẩm quyền ban hành, và cũng phải lưu ý đến những khả năng của mỗi cộng đoàn.

    46. Thánh nhạc cũng rất hữu hiệu để nuôi dưỡng lòng đạo đức của tín hữu, khi họ cử hành Lời Chúa và làm các việc ”đạo đức, thánh thiện”. Khi cử hành Lời chúa (24) nên theo mẫu phụng vụ Lời Chúa trong thánh lễ (25). Các thánh vịnh sẽ rất hữu ích, cũng như các tác phẩm thánh nhạc lấy từ tuyển tập cổ xưa và mới đây, các bài hát tôn giáo bình dân, đàn đại quản cầm và các nhạc cụ khác tiêu biểu hơn có thể giúp ích nhiểu cho các việc đạo đức, thánh thiện.

    Hơn nữa, trong các việc ”đạo đức, thánh thiện” và nhất là khi cử hành Lời Chúa, rất có thể chấp nhận một vài nhạc phẩm mà từ nay không còn chỗ đứng trong phụng vụ nữa, nhưng có thể phát triển tinh thần tôn giáo và giúp suy niệm các mầu nhiệm thánh (26).

    VI. NGÔN NGỮ PHẢI DÙNG TRONG CÁC NGHI LỄ PHỤNG VỤ CÓ CA HÁT,
    VÀ VIỆC BẢO TỒN DANH MỤC THÁNH NHẠC:

    47. Theo Hiến chế phụng vụ, phải duy trì việc dùng la-ngữ trong các nghi lễ la-tinh, trừ khi có đặc quyền (27). Tuy nhiên, bởi vì việc dùng tếng bản quốc nhiều khi có thể hữu ích cho dân chúng (28) nên ”thẩm quyền Giáo Hội địa phương có bổn phận ấn định dùng tiếng bản quốc hay không, và dùng cách nào qua một văn kiện được Tòa Thánh xét duyệt và chuẩn nhận”(29). Khi giữ đúng các quy tắc đó, thì sẽ dùng hình thức tham dự nào thích hợp hơn cả với các khả năng của mỗi cộng đoàn.

    Các vị chủ chăn phải liệu sao cho bên cạnh tiếng bản quốc, tín hữu biết hát hoặc đọc chung với nhau bằng tiếng bản quốc, tín hữu biết hát hoặc đọc chung với nhau bằng tiếng la-tinh, những bài trong Phần thường lễ dành riêng cho họ (30).

    Nơi nào đã được phép dùng tiếng bản quốc trong khi cử hành thánh lễ, các đấng bản quyền phải xét xem nên duy trì một hoặc nhiều thánh lễ cử hành bằng tiếng la-tinh - đặc biệt là lễ hát – trong một vài thánh đường, nhất là ở những đô thị lớn, nơi có một số đông tín hữu nói nhiều về ngôn ngữ khác nhau.

    49. Về việc dùng tiếng la-tinh hay tiếng bản quốc trong các buổi cử hành phụng vụ tại các chủng viện, phải tuân theo những quy tắc của Thánh Bộ Chung viện và Đại Học, về việc huấn luyện phụng vụ cho các học viên. Trong vấn đề này, các phần tử của các tu hội có ba lời khấn phải tuân theo những quy tắc trong Tông thư Sacrificium laudis ngày 15.8.1966, cũng như trong Huấn thị về ngôn ngữ các tu sĩ, tu viện phải dùng khi đọc kinh phụng vụ, và cử hành thánh lễ tu viện do Thánh Bộ nghi thức công bố ngày 23.11.1965 (31).

    50. Trong những lễ nghi phụng vụ có ca hát cử hành bằng tiếng la-tinh thì:

    a/ Ca điệu Ghê-go-ri-ô phải dược ưu tiên vì là loại ca riêng của phụng vụ Rôma, (32) dù giả thiết các loại nhạc đều ngang nhau. Do đó, tùy khả năng, phải dùng những cung điệu trong các bản in chính thức làm mẫu.

    b/ Cũng nên soạn một cách gồm những bài cung điệu đơn giản hơn, để dùng trong các nhà thờ nhỏ (33).

    c/ Các sáng tác khác đã được soạn cho một hay nhiều bè, dù lấy trong danh mục cổ truyền, hay là những tác phẩm mới, phải được tôn trọng, ưu đãi, và sử dụng tùy theo khả năng (34).

    51. Khi lưu ý đến các điều kiện địa phương, và lợi ích mục vụ của tín hữu cũng như đặc tính của mỗi ngôn ngữ, các vị chủ chăn phải xét xem các bản thuộc ca mục thánh nhạc đã được sáng tác trong quá khứ cho các bản văn la-tinh, ngoài việc sử dụng chúng trong các lễ nghi phụng vụ cử hành bằng tiếng la-tinh, có thể cũng được dùng trong những lễ nghi phụng vụ cử hành bằng tiếng bản xứ mà không có gì bất tiện hay chăng? Quả thật, trong cùng một buổi cử hành phục vụ vẫn có thể hát một vài bài bằng ngôn ngữ khác.

    52. Để bảo toàn ca mục Thánh nhạc và cổ võ đích đáng những tác phẩm mới, phải chú trọng đến việc dạy và thực hành âm nhạc trong các chủng viện, tập viện tu sĩ nam nữ, và các học viên của họ, và cả trong các học viện và học đường công giáo, nhưng nhất là tại những viện cao đẳng đặc biệt dành cho khoa đó (35). Trước hết phải đẩy mạnh việc học hỏi và ca hát nhạc Ghê-go-ri-ô vì những đức tính đặc biệt của nó, nhạc này vẫn là nền tảng có giá trị cao để vun trồng thánh nhạc.

    53. Những sáng tác mới về thánh nhạc phải hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc và trình bày trên đây. Vì thế, những sáng tác này phải biểu lộ những đặc điểm của thánh nhạc thực sự, và có thể được hát không những do các ca đoàn lớn, mà cả các ca đoàn nhỏ nữa, lại giúp toàn thể cộng đoàn tín hữu tích cực tham dự lễ nghi (36).

    Còn về ca mục cổ truyền, trước hết phải đề cao những bài đáp ứng các đòi hỏi của phong trào chấn hưng phụng vụ. Sau đó, những nhà chuyên môn đặc biệt có thẩm quyền trong phạm vi này, sẽ nghiên cứu cẩn thận xem có những bài nào thích hợp được với những đòi hỏi đó. Còn những bài nào không hợp với bản tính phụng vụ, hay không hợp để cử hành trong các lễ nghi phụng vụ, thì nên dùng vào các ”việc đạo đức”, hay tốt hơn, trong lúc suy tôn Lời chúa (37).

    VII. SOẠN THẢO CÁC CUNG ĐIỆU CHO NHỮNG BẢN VĂN BẰNG TIẾNG BẢN QUỐC

    54. Khi đưa ra những bản dịch theo lối phổ thông để dịch nhạc, đặc biệt bản dịch các thánh vịnh, các chuyên viên nên làm thế nào để vừa trung thành với bản văn la-tinh lại vừa thích nghi được với bản văn viết bằng ngôn ngữ hiện đại. Phải tôn trọng đặc tính và những qui luật của mỗi ngôn ngữ cũng như phải để ý đến đặc tính của mỗi dân tộc. Khi soạn những cung điệu mới  các nhạc sĩ phải hết sức quan tâm đến những dữ kiện trên cùng những quy luật của thánh nhạc.

    Thẩm quyền địa phương phải liệu sao cho trong Ủy ban đảm trách việc soạn thảo những bản dịch phổ thông, có những chuyên viên trong các bộ môn kể trên, cả về tiếng la-tinh lẫn tiếng bản quốc; phải có sự cộng tác của những người này ngay từ lúc khởi đầu công việc.

    55. Thẩm quyền địa phương được quyền quyết định xem một số bản văn bằng tiếng bản quốc đã có từ xưa và nay đã phổ nhạc, còn được dùng nữa hay không, dù có một vài thay đổi khác với những bản dịch phụng vụ chính thức bây giờ.

    56. Trong các cung điệu soạn cho các bản văn bằng ngôn ngữ hiện đại, cung điệu nào dành cho linh mục và các thừa tác viên để hát một mình, hoặc hát chung với cộng đoàn, hay hát đối đáp, phải chiếm tầm quan trọng đặc biệt.

    Khi soạn các cung điệu đó, các nhạc sĩ nên xem các cung điệu cổ truyền của phụng vụ la-tinh đã dùng về cùng một mục đích, có thể soi sáng gì để soạn ra các cung điệu cho các bản văn bằng ngôn ngữ hiện đại không.

    57. Các cung điệu mới dành cho linh mục và các thừa tác viên phải được thẩm quyền địa phương phê chuẩn. (38)

    58. Các hội đồng giám mục liên hệ nên liệu sao cho chỉ có một bản dịch cho cùng một ngôn ngữ, để dùng trong các miền khác nhau nói cùng một ngôn ngữ đó. Nếu được, thì nên soạn một hoặc nhiều cung điệu chung cho các bài dành cho linh mục và các thừa tác viên, cũng như một vài cung điệu dành cho các câu xướng đáp và tung hô của giáo dân; như thế, những người cùng nói chung một thứ tiếng sẽ dễ dàng tham dự với nhau hơn.

    59. Các nhạc sĩ nên bắt tay vào những việc mới mẻ này với mối bận tâm tiếp tục một truyền thống đã cung cấp cho Hội Thánh một kho tàng đích thực trong việc thờ phượng Chúa. Họ nên khảo sát các tác phẩm thời xưa, các thể loại và đặc tính của chúng, đồng thời cũng phải nghiên cứu cẩn thận các quy luật và nhu cầu mới của phụng vụ. Như thế, các hình thức mới sẽ phát sinh từ các hình thức đã có sẵn, do một sự phát triển có thể nói được là quan yếu (39) và các tác phẩm mới sẽ tạo ra một phần mới cho ca mục âm nhạc của Hội Thánh, không bất xứng với quá khứ một chút nào.

    60. Các cung điệu mới được sáng tác cho các bản văn bằng ngôn ngữ hiện đại, chắc chắn cần phải qua thử nghiệm mới đạt tới mức già dặn và sự hoàn mỹ cần thiết. Tuy nhiên, không được viện lý do dùng thử mà làm cẩu thả, không xứng với sự thánh thiện của nơi chốn, và sự trang trọng của các lễ nghi phụng vụ cũng như lòng đạo đức của tín hữu.

    61. Sự thích nghi âm nhạc trong các miền đã có một truyền thống âm nhạc riêng, nhất là trong các xứ truyền giáo, đòi hỏi các nhà chuyên môn phải được chuẩn bị hết sức đặc biệt (40).

    Thật vậy, phải kết hợp hết sức về sự thiêng thánh với tinh thần, tập quán và cách diễn tả đặc biệt của mỗi dân tộc. Những ai hiến thân làm công việc này, phải có một tầm hiểu biết vừa đủ để phụng vụ và truyền thống âm nhạc của

    Hội Thánh, cũng như của ngôn ngữ, ca khúc bình dân và những cách diễn tả đặc trưng của dân tộc mà họ phụng vụ.

    VIII. THÁNH NHẠC DÙNG CHO NHẠC KHÍ

    62. Các nhạc khí có thể rất hữu ích trong các buổi cử hành lễ nghi phụng vụ, hoặc đệm theo tiếng hát, hoặc chơi riêng một mình.

    Trong Hội Thánh la-tinh, đại quản cầm có ống rất được quý chuộng và được coi như nhạc khí cổ truyền mà âm thanh có thể tăng thêm vẻ huy hoàng kỳ diệu cho những nghi lễ của Hội Thánh, và có sức mãnh liệt nâng các tâm hồn  lên cùng Thiên Chúa và lên trời.

    Còn những nhạc khí khác, thì tùy theo sự xét đoán và chấp thuận của thẩm quyền địa phương, có thể được dùng trong việc thờ phượng, tùy như chúng thích hợp hay có thể thích hợp được để dùng vào việc thánh với công dụng thiêng thánh, hay hợp với vẻ trang trọng của đền thờ, và thực sự giúp cho các tín hũu sốt sắng hơn. (41)

    63. Muốn thừa nhận và sử dụng các nhạc khí, phải để ý đến nét đặc sắc và tập quán của mỗi dân tộc. Những nhạc khí nào, mà theo ý kiến chung, và cách sử dụng thông thường, chỉ hợp với nhạc đời, thì phải loại trừ ra khỏi lễ nghi phụng vụ và các việc đạo đức thánh thiện. (42)

    Mọi nhạc khí được thừa nhận trong việc thờ phượng phải sử dụng thế nào cho hợp với các đòi hỏi của lễ nghi phụng vụ, và làm cho việc thờ phượng nên tốt đẹp cũng như giúp các tín hữu thêm lòng đạo đức.

    64. Nên dùng nhạc khí để đệm theo tiéng hát hầu giữ cho giọng khỏi xuống, và giúp cho cộng đoàn tham dự dễ dàng hơn, cũng như hợp nhất với nhau mật thiết hơn. Nhưng âm thanh của các nhạc khí không bao giờ được lấn tiếng hát, và làm cho bản văn trở nên khó hiểu. Mọi nhạc khí đều phải im tiếng khi linh mục hay thừa tác viên đọc cao giọng một bản văn được dành riêng cho các vị ấy.

    65. Trong các lễ hát hoặc lễ đọc, có thể dùng đại quản cầm hoặc một nhạc khí nào khác đã được chính thức thừa nhận để đệm theo tiếng hát của ca đoàn và giáo dân. Có thể độc tấu nhạc trước khi linh mục tới bàn thờ, lúc dâng lễ vật, trong khi rước lễ và lúc cuối lễ. Có thể áp dụng cùng một quy tắc đó, thích nghi cho hơp trong các buổi cử hành thiêng thánh khác.

    66. Không được phép độc tấu các nhạc khí đó trong Mùa Vọng  và Mùa Chay, trong Tuần Tam Nhật Vượt qua, và trong giờ Kinh Lễ cầu hồn.

    67. Mong sao các nhạc công đại quản cầm và các nhạc khí khác, chẳng những sử dụng thành thạo nhạc khí, mà còn hiểu biết sâu sắc tinh thần phụng vụ, để khi thi hành nhiệm vụ, dù chơi theo ngẫu hứng, họ vẫn làm cho buổi cử hành thêm phong phú theo bản tính thực của mỗi yếu tố và làm cho tín hữu say sưa tham dự.

    IX. NHỮNG ỦY BAN ĐƯỢC THIẾT LẬP ĐỂ PHÁT TRIỂN THÁNH NHẠC

    68. Các ủy ban thánh nhạc giáo phận là nguồn đóng góp rất có giá trị, để làm cho nền thánh nhạc trong giáo phận tiến triển hòa nhịp với nền mục vụ và phụng vụ.

    Mỗi giáo phận nên hết sức thành lập một ủy ban như thế. Các ủy ban này làm việc, kết hợp các nỗ lực của mình với Ủy ban Phục vụ.

    Thường thường nên hợp cả hai ủy ban lại làm một. Như thế các chuyên viên của hai khoa sẽ dễ dàng nhắm tới tiến bộ. Nơi nào xem ra hữu ích hơn thì nhiều giáo phận chỉ nên thành lập một ủy ban, cho có sự đồng nhất rộng rãi hơn trong cùng một miền, và tập trung được sức lực để đạt kết quả mỹ mãn hơn.

    69. Nên thành lập Ủy ban Phụng vụ bên cạnh các Hội Đồng Giám mục, tùy theo nhu cầu (44). Ủy ban này cũng phải chăm lo về thánh nhạc nữa, vì thế phải bao gồm các nhạc sĩ chuyên nghiệp.

    Ủy ban này nên giữ liên lạc chẳng những với các ủy ban giáo phận, mà còn với những hiệp hội khác lo về âm nhạc trong cùng một miền. Về Viện Mục vụ phụng vụ bàn đến ở số 44 trong Bản Hiến chế, cũng phải nói như vậy.

     ***

    Trong buổi gặp gỡ ngày 9 tháng 2 năm 1967 dành cho Đức Hồng Y Arcadius M. Larraona, Bộ Trưởng Thánh Bộ Nghi Lễ, Đức Thánh Cha Phao-lô VI đã lấy quyền riêng chuẩn y và xác nhận bản Huấn thị này. Người đã truyền lệnh công bố và đồng thời ấn định rằng bản Huấn thị này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 5 năm 1967, chúa nhật Lễ Hiển Linh.

    Những gì trái với văn bản này đều vô hiệu.

     

    Roma ngày 5.3.1967, Chúa Nhật IV Mùa Chay.

    Hồng Y J.LERCARO

    Tổng Giám mục Bô-lô-nha

    Chủ tịch Hội đồng Thực thi Hiến chế phụng vụ

    Hồng Y Arcadius M.LARRAONA

    Bộ trưởng Thánh Bộ Nghi Lễ

    + F.ANTONELI

    Tổng Giám mục hiệu tòa Idiera

    Thư ký Thánh Bộ Nghi Lễ

      

    Thánh nhạc và kỷ luật thánh nhạc vẫn luôn luôn là một vấn đề chúng tôi đặc biệt lưu tâm. Vì thế chúng tôi cho rằng đã đến lúc phải ra một thông điệp để nghiên cứu lại vấn đề một cách có phương pháp, đồng thời cũng giải đáp những vấn nạn đã được nêu lên và bàn cãi trong những thập niên gần đây, ngõ hầu nghệ thuật rất cao quý và tế nhị này tăng thêm vẻ huy hoàng cho việc thờ phượng Thiên Chúa và làm cho đời sống thiêng liêng của tín hữu thêm phát triển. (Musicac sacrae disciplina số 1)

     

    TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

    1. Hiến chế Phụng vụ số 112.
    2. Thánh Pi-ô X, tự sắc ”Tra le solleeitudini” ngày 22.11.1903, số 2.
    3. Huấn thị của Thánh Bộ Nghi Lễ, ngày 3.9.1958, số 4
    4. HC. Phụng vụ số 113.
    5. Như trên, số 28.
    6. Ht. của Thánh Bộ Nghi Lễ, ngày 3.9.1958, số 95.
    7. HC. Phụng vụ số 116.
    8. Như trên, số 28.
    9. Như trên, số 29

    10. Như trên, số 33.

    11. Như trên, số 11.

    12. Như trên, số 30.

    13. Như trên, số 30.

    14. Như trên, số 30.

    15. HC. Phụng vụ số 30.

    16. HT. Của Thánh Bộ Nghi Lễ, ngày 26.9.1964, số 19 và 59.

    17. HT. Của Thánh Bộ Nghi Lễ, ngày 3.9.1958, số 106-108.

    18. HT. Của Thánh Bộ Nghi Lễ, ngày 26.9.1964, số 97.

    19. Như trên, số 48b.

    20. Như trên, số 48.

    21. HC. Phụng vụ số 99.

    22. HC. Phụng vụ số 101, đoạn 1. HT. của Thánh Bộ Nghi Lễ, ngày 26.9.1964, số 85.

    23. HC. Phụng vụ số 27.

    24. HT. Của Thánh Bộ Nghi Lễ, ngày 26.9.1964, số 37-39.

    25. Như trên, số 33.

    26. Như trên, số 53.

    27. HC. Phụng vụ số 36, đoạn 1.

    28. Như trên, số 36, đoạn 2.

    29. Như trên, số 36, đoạn 3.

    30. HC. Phụng vụ số 54. HT. của Thánh Bộ Nghi Lễ, ngày 26.9.1964, số 59.

    31. DC. 1966, số 1481, cột 1831. số 1465, cột 313.

    32. HC. Phụng vụ số 116.

    33. HC. Phụng vụ số 117.

    34. HC. Phụng vụ số 117.

    35. HC. Phụng vụ số 115.

    36. HC. Phụng vụ số 129.

    37. HC. Phụng vụ số 46.

    38. HT. Thánh Bộ Nghi Lễ, ngày 26.9.1964.

    39. HC. Phụng vụ số 23.

    40. HC. Phụng vụ số 119.

    41. HC. Phụng vụ số 120.

    42. HT. Của Thánh Bộ Nghi Lễ, ngày 3.9.1958.

    43. Như trên, số 24.

    44. HC. Phụng vụ, số 44.

    “Khi nhấn mạnh đến những đức tính và sự hữu hiệu về mặt tông đồ của thánh nhạc, chúng tôi muốn làm nổi bật một điều có thể mang lại niềm vui lớn lao và sự hài lòng hơn cả, cho những ai hiến thân bằng cách này hay cách khác, cho công việc nghiên cứu và thực hành thánh nhạc.

    Thật vậy, những ai đem hết tài nghệ ra sáng tác những bản nhạc và những ai điều khiển hoặc trình diễn trong một ca đoàn hay dàn nhạc, chắc hẳn đều làm việc tông đồ chân chính, đích thực, dù dưới nhiều hình thức khác nhau. Họ sẽ nhận được dư đầy nơi Đức Kitô, Chúa chúng ta, những phần thưởng và vinh dự dành cho các tông đồ, mỗi người tùy theo mức độ trung tín với bổn phận mình”.

    (Musicae sacrae Disciplina số 37)

     

    Bản dịch của Ban Thánh nhạc TGP Sài Gòn 1994

     

    Đọc thêm »
RSS